Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam Tọa lạc tại số 1 Tràng Tiền, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam từng được người Pháp dùng làm Viện Nghiên cứu Xã hội châu Á (École Française d’Extrême Orient). Xây dựng từ năm 1925-1932, công trình này sơn màu hoàng thổ, mang phong cách kiến trúc Á – Âu kết hợp, tạo nên vẻ thanh lịch, tao nhã nhưng cũng rất gần gũi. Ngày nay, công trình được dùng làm bảo tàng trưng bày, giới thiệu các tư liệu, hiện vật lịch sử. Nổi bật nhất là các hiện vật bằng đồng từ nền văn hóa Đông Sơn (từ thế kỷ 3 trước công nguyên đến thế kỷ 3 sau công nguyên), những bức tượng Hindu của vương quốc Khmer và Champa, những đồ trang sức hoàng tộc từ các triều đại Việt Nam. Sau khi khám phá, tìm hiểu lịch sử chống giặc ngoại xâm và quá trình xây dựng đất nước, du khách có thể thư giãn nghỉ ngơi tại quán cà phê ngay trong khuôn viên của bảo tàng. Nhà tù Hỏa Lò Điểm đến gợi nhớ nhiều nhất về quá khứ chính là nhà tù Hỏa Lò – nơi từng giam giữ rất nhiều nhà yêu nước cách mạng lớn của Việt Nam. Sau năm 1954, nó được chính quyền Việt Nam dùng làm nơi giam giữ tù binh Mỹ và mang tên gọi khá khôi hài là “Khách sạn Hà Nội Hilton”. Các hiện vật trưng bày tại đây đều liên quan đến cuộc chiến dành độc lập của Việt Nam trước thực dân Pháp. Nơi đây cũng lưu giữ chiếc máy chém của Pháp, từng là công cụ xử tử các nhà yêu nước Việt Nam. Bên cạnh đó, khu di tích nhà tù còn trình chiếu các đoạn phim tư liệu ngắn, mô tả cảnh tù binh Mỹ bị giam giữ tại đây. Đặc biệt, bộ đồ bay của Thượng Nghị sỹ John McCain dùng năm xưa khi nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch thoát thân vì máy bay trúng đạn năm 1967 và bức ảnh người dân địa phương cứu ông ra khỏi hồ, cũng được lưu giữ làm hiện vật của khu di tích nhà tù Hỏa Lò. Năm 1896, người Pháp đã xây dựng nhà tù này nhằm mục đích giam giữ khoảng 450 tù nhân. Tuy nhiên, theo thống kê, nhà tù này đã có thời điểm giam giữ lên tới 2000 tù nhân. Nhà hàng La Badiane Nhà hàng tọa lạc trong một ngôi biệt thự Pháp cổ, có thực đơn đa dạng, phong phú từ các món truyền thống của Pháp đến các món mang đậm hương vị châu Á. Món ăn nổi tiếng nhất ở đây là mỳ Ý trộn cá vược biển và ớt bột hun khói, súp tôm cua với wasabi cà chua. Cầu Long Biên Là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng mang phong cách Pháp, cầu Long Biên được xây dựng từ năm 1899-1902. Đến năm 1903, cây cầu này chính thức được khánh thành, mở cửa phục vụ cho việc vận chuyển và giao thông đi lại. Cầu được thực dân Pháp đặt tên là cầu Paul-Doumer – tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer và sau này là Tổng thống Pháp. Cầu dài 2,4 km, là cây cầu dài nhất châu Á lúc bấy giờ. Đối với chính phủ thực dân Pháp hồi đó, việc xây dựng cây cầu này là một trong những chiến lược quan trọng để chiếm đóng miền bắc Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cây cầu cũng đã được tu sửa nhiều lần. Điểm thú vị là, trên đầu cầu vẫn còn tấm biển kim loại có khắc tên hai kiến trúc sư và năm xây dựng cầu (“1899-1902 – Daydé & Pillé – Paris”). Nhà hát Lớn Hà Nội Nhà hát Lớn Hà Nội là một trong số ít những công trình kiến trúc Pháp còn tồn tại gần như nguyên vẹn đến ngày nay. Nhà hát được xây dựng trong khoảng thời gian khá dài, từ năm 1901-1911. Với kiến trúc đẹp nhất Đông Nam Á, đồ án thiết kế của nhà hát được xét duyệt bởi hai kiến trúc sư người Pháp Broyer và V. Harley, sau đó có sự tham gia sửa chữa của kiến trúc sư Francois Lagisquet. Lấy cảm hứng từ nhà hát Opéra Garnier nổi tiếng ở Paris, nhà hát lớn Hà Nội thực sự là một công trình kiến trúc đồ sộ thời bấy giờ, với tổng diện tích 2.600m2, chiều dài trung bình 87m, chiều rộng trung bình 30m và điểm cao nhất so với mặt đường là 34m. Mang phong cách kiến trúc phổ biến ở Pháp cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, Nhà hát Lớn được thiết kế với nhiều phòng lớn và các sảnh ngoài. Hành lang cũng có kích thước lớn với sân khấu gồm 900 chỗ ngồi được xếp thành 3 tầng. Đặc biệt, nội thất còn có nhà gương – nơi tiếp đón các Nguyên thủ quốc gia trong và ngoài nước. Nhà hát Lớn và Quảng trường Nhà hát Lớn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của cả nước như những cuộc mít tinh, biểu tình. Nơi đây cũng là nơi Quốc hội nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa họp khóa đầu tiên vào ngày 2/3/1946. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, chứng kiến nhiều sự đổi thay của đất nước, ngày nay Nhà hát Lớn Hà Nội là nơi diễn ra các chương trình văn hóa, nghệ thuật, là cầu nối giúp quảng bá, giới thiệu văn hóa Việt Nam với bạn bè thế giới. Nhà thờ lớn Là một công trình nổi tiếng mang phong cách châu Âu thế kỷ 19, Nhà thờ Lớn Hà Nội được xây dựng từ năm 1884 và đến năm 1886 thì hoàn thành. Khi mới xây dựng, nhà thờ mang tên Xanh Giô Dép (Saint Joseph). Nhà thờ được xây dựng theo phong cách thịnh hành của thời kỳ Trung cổ và thời kỳ Phục hưng ở châu Âu, với vật liệu xây dựng chính là gạch đất nung, tường trát bằng giấy bồi, kết cấu mái vòm cao, đường nét trang trí mềm mại, mang phong cách của kiến trúc Gotic nhiều màu sắc và đối xứng hai bên. Công trình dài 64,5m, rộng 20,5m và hai tháp chuông cao 31,5m với những trụ đá to nặng bốn góc, trên đỉnh là cây thánh giá bằng đá. Phía sảnh ngoài nhà thờ có 1 cửa lớn và 2 cửa nhỏ hai bên. Toàn bộ cửa đi và cửa sổ đều mang phong cách Gotic với những kiểu cửa cuốn nhọn, vừa để đón ánh sáng tự nhiên, vừa tạo được cảm giác nghiêm trang của một công trình kiến trúc tôn giáo. Hà Thành |